Người Nhật ngẩng cao đầu vì món sushi, người Pháp lại tự hào về món gan ngỗng ngậy béo Foie Gras. Đây là món ăn "bản quyền" của người Pháp chỉ có mặt tại những cửa hàng cao cấp. Gọi là bản quyền vì nó mang đặc thù văn hóa ẩm thực của người Pháp, nhất là khi áp chảo. Rất tinh túy, điệu nghệ nên hương vị cũng rất đặc trưng, nhất là khi dùng chúng với rượu vang. Không chỉ ngon miệng, Foie Gras còn có lợi cho sức khỏe vì có chứa nhiều chất béo hữu ích, nhất là chất béo không bão hòa giúp con người giảm được mỡ máu, giảm bệnh tim mạch, đặc biệt là làm tăng tuổi thọ, những người dân vùng tây-nam nước Pháp có tuổi thọ cao hơn bởi họ có thói quen dùng món Foie Gras.

Dân ta quan niệm "Thương con cho ăn tiết - Giết con cho ăn gan" vì cho rằng gan độc. Hiểu như vậy có đúng?
Theo BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn gan là tốt chứ không phải là độc như nhiều người nghĩ, có điều phải chọn mua gan của những động vật không bị bệnh. Bởi gan là loại thực phẩm đứng đầu bảng về hàm lượng đạm. Đặc biệt, trong gan lại chứa rất nhiều vitamin A và sắt như trong 100g gan gà có 6.960mcg vitamin A, trong gan lợn là 6.000mcg, trong gan bò có 5.000mcg. Gan lợn, bò, gà cũng đứng đầu về hàm lượng chất sắt với tỷ lệ tương ứng trong 100g đối với mỗi loại là 12g, 9g, 8g... Vì vậy, gan đặc biệt tốt cho trẻ em thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhất là bà mẹ mang thai và trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.
Gan giúp bổ huyết hữu hiệu, thường được dùng cho các bệnh
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, Đông y coi gan là một vị thuốc bổ huyết rất hữu hiệu, thường được dùng cho các bệnh nhân thiếu máu, mờ mắt... Trong Tây y người ta cũng dùng gan để làm thuốc bổ máu. Đặc biệt, ở châu Âu người ta sử dụng gan rất nhiều để làm thuốc và thực phẩm nên giá thành rất đắt. Người ta nuôi ngỗng, vịt loại gan lớn để xuất khẩu và dùng gan làm món patê gan nổi tiếng như ở Pháp...
Lương y Vũ Quốc Trung phân tích thêm, người ta sợ không dám cho con ăn gan vì cho rằng đó là cơ quan thải độc và giữ chất độc. Thực tế, ngoài chức năng tạo mật để tiêu hóa và hấp thu chất béo, sản xuất chất đạm, dự trữ đường... gan còn là cơ quan giúp giải độc cho cơ thể. Tất cả các chất đi vào cơ thể từ ăn uống, thẩm qua da đến hô hấp... đều phải đi qua gan và gan sẽ chọn lọc các thành phần này, một số giữ lại để gan xử lý hoặc tiếp tục vào máu. Chất độc không tập trung tích lũy trong gan mà đi qua và sẽ được gan giữ lại để chuyển thành chất không độc, sau đó được chuyển tiếp ra ngoài gan và ra khỏi cơ thể.